Maria Montessori sinh ngày 31 tháng 8 năm 1870 tại thị trấn Chiaravalle, Italy. Cha của bà, Alessandro, là một viên chức kế toán. Renilde Stoppani, mẹ bà, là một người phụ nữ có học thức và đam mê sách vở.
Gia đình Montessori chuyển đến Rome vào năm 1875. Năm sau đó, Maria bắt đầu đi học tại trường công lập Via di San Nicolo da Tolentino. Khi học lên cao, bà bắt đầu vượt qua tất cả những rào cản đối với sự nghiệp của người phụ nữ. Từ năm 1886 đến năm 1890, bà theo học tại Regio Instituto Tecnico Leonardo da Vinci, nơi bà nung nấu ý định trở thành một kỹ sư. Tại thời điểm đó, hầu hết nữ giới chỉ theo đuổi các ngành học truyền thống mà ít chú ý tới các ngành kỹ thuật.
Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ Montessori khuyến khích bà theo nghề giáo, một trong số ít ngành nghề phụ nữ được phép làm tại thời điểm đó. Nhưng bà lại lựa chọn theo học trường y với mong muốn trở thành bác sĩ. Cha bà kịch liệt phản đối ý định này, thậm chí trường cũng từ chối hồ sơ xin học của bà. Nhưng bà vẫn không chùn bước. Kết thúc cuộc phỏng vấn với giáo sư đại diện cho trường, bà vẫn khẳng định: "Tôi biết tôi sẽ trở thành một bác sĩ".
Cuối cùng, có vẻ như chính Đức Giáo hoàng Leo XIII đã ra mặt giúp đỡ bà. Năm 1890, Montessori theo học tại Đại học Rome và nghiên cứu vật lý, toán học và khoa học tự nhiên. Bà nhanh chóng nhận bằng tốt nghiệp sau hai năm. Nhờ việc này cùng sự tác động của Đức giáo hoàng, cuối cùng bà đã được nhận vào Khoa Y và trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên theo học ngành này tại Ý. Montessori nổi bật không chỉ bởi vì bà là nữ giới, mà còn vì khả năng thực lực của bà. Bà đã giành được một loạt học bổng của trường, số tiền ấy cùng với khoản tiền bà kiếm được nhờ công việc gia sư đã giúp trang trải phần lớn tiền học cho những năm tháng bà học tại trường.
Nhưng quãng thời gian đó thực sự không dễ dàng đối với bà. Bà phải chịu đựng thành kiến của các nam sinh và phải làm việc một mình trong các lớp giải phẫu. Nhưng bằng quyết tâm của mình, ngày 10 tháng 7 năm 1896 bà đã chính thức trở thành một trong những nữ bác sĩ đầu tiên ở Ý, đồng thời lúc này danh tiếng của bà cũng đã vang xa.
Ngay sau khi tốt nghiệp bà được mời về làm việc tại Bệnh viện San Giovanni. Cuối năm đó, bà đại diện cho Ý tham dự Hội nghị Quốc tế về Quyền Phụ nữ ở Berlin. Trong bài phát biểu của bà tại Hội nghị này, bà đã đề cập đến vấn đề cải cách xã hội và lập luận rằng phụ nữ nên được hưởng mức lương bình đẳng với nam giới. Khi được phóng viên hỏi về cảm nghĩ của các bệnh nhân khi được một nữ bác sĩ điều trị, bà trả lời, "... họ biết là tôi thật lòng quan tâm đến họ ... Chỉ có tầng lớp thượng lưu là có thành kiến với việc phụ nữ vươn lên giữ những vai trò quan trọng trong xã hội."
Tháng 11 năm 1896, Montessori được bổ nhiệm chức vụ trợ lý phẫu thuật tại Bệnh viện Santo Spirito ở Rome. Ở đây bà đã chữa trị cho những người nghèo, đặc biệt là con em của họ. Là một bác sĩ, bà được mọi người nhớ đến bởi cách 'chăm sóc' bệnh nhân tận tình, không chỉ lo chữa bệnh mà còn lo lắng cho bữa cơm manh áo của họ. Năm 1897, bà tình nguyện tham gia một chương trình nghiên cứu tại phòng khám tâm thần của Đại học Rome, ở đây bà đã làm việc cùng với Giusseppe Montesano, dần dà hai người có tình cảm với nhau.
Theo yêu cầu của công việc, hàng tuần bà tới bệnh viện Rome để tìm những bệnh nhân cần được chữa trị. Trong một lần thăm viếng đó, bà đã nghe một nữ y tá phàn nàn với sự ghê tởm về việc hai đứa trẻ túm tụm nhặt những mẩu vụn bánh mì trên sàn nhà sau bữa ăn. Montessori nhận ra khi bị nhốt trong một căn phòng trống, không có đồ đạc gì, các em phải làm như vậy để kích thích cảm giác và các hoạt động cho bàn tay của mình. Chính điều này cũng đã góp phần làm tình trạng của các em ngày các thêm trầm trọng.
Kể từ đó, bà bắt đầu đọc tất cả các tài liệu về vấn đề chậm phát triển ở trẻ. Bà dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nghiên cứu của hai chuyên gia người Pháp đầu thế kỷ 19 là Jean-Marc Itard, người được biết đến với đề tài "chú bé rừng rậm của Aveyron", và Edouard Séguin, học trò của ông. Itard đã xây dựng một phương pháp giáo dục dựa vào các giác quan, phương pháp này sau đã được Séguin tìm cách lồng ghép vào hệ thống giáo dục chính thống. Séguin hết sức phê phán chế độ giáo dục độc tài thời bấy giờ và nhấn mạnh việc cần phải tôn trọng đặc điểm riêng của từng đứa trẻ. Ông đã sáng tạo ra các công cụ thực hành giúp phát triển nhận thức giác quan và các kỹ năng vận động của trẻ. Những công cụ này về sau đã được Montessori cải tiến theo cách tiếp cận mới. Bà thậm chí còn tham gia một học kỳ tại trường đại học để bổ sung kiến thức về giáo dục bằng cách tham dự các khoá học về sư phạm và nghiên cứu các công trình của Rousseau, Pestalozzi, Froebel.
Năm 1898, công việc của Montessori bắt đầu có tiến triển tốt. Năm 28 tuổi bà được mời tới trình bày tại Hội nghị Y khoa Quốc gia ở Turin. Tại đây bà đã thuyết trình về giả thuyết gây tranh cãi rằng chính các điều kiện thiếu thốn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển ở trẻ. Không dừng lại ở đó, năm tiếp theo bà đã trình bày tại Hội nghị Sư phạm Quốc gia về tầm nhìn về tiến bộ xã hội và nền kinh tế chính trị bắt nguồn từ các biện pháp giáo dục. Ý niệm về cải cách xã hội thông qua giáo dục là một ý tưởng đã được phát triển và trưởng thành trong tư duy của Montessori trong suốt cuộc đời của bà.
Nhờ mối quan hệ thân thiết với Liên đoàn Quốc gia về Giáo dục Trẻ chậm phát triển, Montessori đã được bổ nhiệm vai trò đồng giám đốc, cùng với Guisseppe Montesano, cho một tổ chức mới mang tên gọi Trường dành cho trẻ chậm phát triển. Ngôi trường này đã nhận rất nhiều trẻ em bị rối loạn và đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời của Montessori, đánh dấu sự thay đổi về danh tính nghề nghiệp của bà từ bác sĩ trở thành nhà giáo dục. Trước đó, ý tưởng của bà về sự phát triển của trẻ em mới chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết, nhưng bằng ngôi trường này, được thành lập song song với một bệnh viện dạy nghề, đã cho phép bà hiện thực hóa các ý tưởng đó. Montessori đã trải qua 2 năm làm việc tại trường học đặc biệt này, bà đã thử nghiệm và hoàn thiện các tài liệu do Itard và Séguin sáng tạo và đưa thêm góc nhìn phân tích khoa học. Ban ngày bà giảng dạy và quan sát, còn ban đêm bà viết lại các ghi chép.
Mối quan hệ của bà với Giusseppe Montesano ngày càng sâu đậm, và vào năm 1898 Maria hạ sinh một bé trai đặt tên là Mario. Đứa bé sau đó được gửi đến cho một gia đình ở vùng nông thôn gần Rome chăm sóc. Maria thường xuyên đến thăm Mario, nhưng mãi cho đến khi anh lớn hơn, anh mới biết Maria là mẹ của anh. Sau đó hai mẹ con có mối liên kết mạnh mẽ, anh đã đồng hành cùng bà trong rất nhiều chuyến công tác sau này, và sau cùng là kế tục sự nghiệp của bà sau khi bà ra đi.
Năm 1901, Montessori từ bỏ công việc tại trường Orthophrenic và dành toàn bộ thời gian nghiên cứu triết học và nhân chủng học. Năm 1904, bà giữ chức vụ giảng viên tại Đại học Sư phạm Rôma và tiếp tục công việc này cho đến năm 1908. Trong một bài thuyết trình, bà đã từng nói với sinh viên: "Chủ đề nghiên cứu của chúng ta là con người, mục đích của chúng ta là trở thành những người giảng dạy. Chỉ có tình yêu thương với con người mới có thể tạo nên một giáo viên tốt, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể biến nhiệm vụ của người giáo dục thành một sứ mệnh lớn lao"[2].
Giai đoạn này chứng kiến sự phát triển như vũ bão của thành phố Rome. Trong cơn sốt phát triển đầu cơ, hàng loạt công ty xây dựng đã bị phá sản, để lại những dự án xây dựng chưa hoàn thành. Một trong những công trình như vậy tại quận San Lorenzo đã được được một nhóm các nhân viên ngân hàng mua lại và chia nhỏ các căn hộ lớn cho phù hợp với tầng lớp lao động. Nhưng những căn hộ này nhanh chóng bị lũ trẻ phá hoại khi chúng bị nhốt ở nhà khi cha mẹ đi làm. Chính vì điều này, những nhà đầu tư đã tìm đến Tiến sỹ Montessori để tìm giải pháp giữ trẻ để chúng không phá hoại thêm nữa.
Ngay lập tức Montessori nắm bắt cơ hội làm việc với đứa trẻ này, và cùng với các tài liệu giáo dục mà bà đã phát triển tại Trường orthophrenic, bà đã thành lập Casa dei Bambini (Nhà giữ trẻ). Mô hình đầu tiên mở cửa vào ngày 6 tháng 1 năm 1907. Sau lễ khánh thành nho nhỏ, rất ít người tin rằng dự án này sẽ thành công. Nhưng Montessori lại không hề nghĩ vậy: "Tôi có một cảm giác kỳ lạ rằng đây sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng mà cả thế giới sẽ phải nói về nó” [3].
Bà đã thử áp dụng rất nhiều hoạt động và tài liệu vào môi trường của trẻ nhưng chỉ giữ lại những gì mà trẻ thực sự yêu thích. Lúc này Montessori mới nhận ra nếu được ở trong môi trường có các hoạt động được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển tự nhiên, những đứa trẻ hoàn toàn có thể tự học. Sau này bà gọi quá trình này là tự giáo dục. Năm 1914, bà viết: "Tôi không sáng tạo ra phương pháp giáo dục mà tôi chỉ đơn giản là cho các em nhỏ một cơ hội để sống".
Tới mùa thu năm 1908, nhà giữ trẻ của bà đã mở được 5 trung tâm, bốn ở Rome và một ở Milan. Trẻ em trong những trường mầm non này đạt được những tiến bộ phi thường, thậm chí những đứa trẻ 5 tuổi đã biết đọc biết viết. Phương pháp mới của Montessori nhanh chóng được lan truyền, mọi người cũng đổ xô tới chứng kiến các thành quả của bà. Trong vòng một năm tiếp đó, toàn bộ khu vực nói tiếng Ý của Thụy Sĩ đã thay đổi mô hình trường mẫu giáo thông thường thành các trường mẫu giáo Montessori. Kể từ đây phương thức tiếp cận giáo dục mới bắt đầu lan rộng.
Mùa hè năm 1909, Tiến sĩ Montessori tổ chức khóa học đầu tiên về phương pháp tiếp cận của mình với khoảng 100 sinh viên. Cùng năm này bà xuất bản cuốn sách đầu tiên ghi chép lại những điều đã nghiên cứu. Cuốn sách này được dịch ra ở Mỹ vào năm 1012 dưới tên Phương pháp Montessori, đứng vị trí thứ hai trong danh sách các cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ. Không lâu sau đó, nó đã được dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau và trở thành một tài liệu có ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực giáo dục.
Ngày 20 tháng 12 năm 1912, mẹ bà qua đời ở tuổi 72. Maria bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự kiện này, và năm sau đó, bà quyết định mang con trai Mario, lúc này đã 14 tuổi, đến Rome sống với bà.
Quãng thời gian sau đó là thời kỳ bùng nổ của Phương thức Montessori. Các cộng đồng Montessori, các chương trình đào tạo và các trường học được mở rộng ra khắp thế giới. Lúc này Montessori dành phần lớn thời gian đi diễn thuyết và truyền bá về phương thức, đa phần là ở Mỹ, và còn ở Anh và Châu Âu. Tính đến lúc này, bà đã hoàn toàn từ bỏ tất cả các công việc khác để toàn tâm toàn ý thuyết giảng về cách tiếp cận mà bà đã dày công xây dựng. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở giáo dục Montessori đã bị phá hủy hoặc trưng dụng trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất
Năm 1917, sau khi trở về từ Hoa Kỳ, bà sinh sống tại Barcelona, Tây Ban Nha, nơi Seminari-Laboratori de Pedagogia được tạo ra cho bà. Tại đây bà sống cùng con trai và người con dâu thứ hai cùng bốn đứa cháu: hai bé trai Mario Jr và Rolando và hai bé gái Marilena và Renilde. Renilde, người cháu nhỏ tuổi nhất, sau này đã trở thành Tổng Thư ký (năm 2000) và sau đó là Chủ tịch (cho đến năm 2005) của Hiệp hội Montessori, tổ chức do chính Maria Montessori thành lập năm 1929.
Maria khao khát lập ra một trung tâm nghiên cứu và phát triển để lồng ghép phương pháp tiếp cận của mình vào những năm đầu giáo dục tiểu học. Nhưng tâm nguyện của bà đã không được hoàn thiện trong những năm tháng ở Tây Ban Nha do sự nổi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. Đến năm 1933, tất cả các trường Montessori ở Đức đã bị đóng cửa, thậm chí những cuốn sách của Montessori đã bị đốt cháy cùng một hình nộm của bà tại Berlin. Cùng năm đó, tất cả các trường học Montessori đã bị đóng cửa sau khi bà từ chối hợp tác với Mussolini để lồng ghép chế độ độc tài phát xít vào hệ thống giáo dục. Trước nguy cơ nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha, cả gia đình bà đã bỏ lại nhà cửa và dong buồm tới Anh vào mùa hè năm 1936. Từ Anh, họ lại di chuyển tới Hà Lan và ở lại nhà của Ada Pierson, con gái một viên chức ngân hàng Hà Lan. Sau này, Ada đã kết hôn với Mario sau khi anh ly hôn với người vợ đầu.
Năm 1939, Mario và Maria cùng tới Ấn Độ với dự định tổ chức một khóa học 3 tháng tại Madras sau đó là một chuỗi các buổi thuyết giáo. Nhưng cuối cùng phải tới 7 năm sau họ mới được quay về Tây Ban Nha. Khi chiến tranh nổ ra, Mario đã bị bỏ tù còn Maria bị quản thúc tại gia do mang quốc tịch Ý. Bà đã trải qua mùa hè ở nông thôn Kodaikanal, thời gian này đã dẫn dắt suy nghĩ của bà về bản chất mối quan hệ giữa tất cả các sinh vật. Bà đã theo đuổi chủ đề này tới cuối đời và nó được biết đến là phương thức giáo dục vũ trụ dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi. Ở Ấn Độ, Montessori nhận được chế độ quan tâm đặc biệt, tại đây bà cũng có cuộc diện kiến với Gandhi, Nehru và Tagore. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, bà đã đệ đơn xin chính phủ Ấn Độ thả Mario. Yêu cầu của bà đã được chấp thuận và hai mẹ con bà đã cùng đào tạo hơn một ngàn giáo viên Ấn Độ.
Năm 1946 họ trở về Hà Lan đón những đứa cháu đã trải qua những năm chiến tranh dưới sự chăm sóc của Ada Pierson. Vào năm 1947, Montessori, nay đã ở tuổi 76, đã có bài diễn thuyết tại UNESCO về chủ đề "Giáo dục và Hòa bình". Năm 1949 bà nhận được đề cử đầu tiên trong ba đề cử giải Nobel hòa bình. Lần cuối cùng bà xuất hiện trước công chúng là ở London vào năm 1951 khi tham dự Hội nghị Montessori Quốc tế lần thứ 9. Vào ngày 6 tháng 5 năm 1952, tại nhà nghỉ mát của gia đình Pierson ở Hà Lan, bà đã ra đi trong vòng tay người con trai Mario, người mà sau này kế tục sự nghiệp của bà.
[1]Julia Maria, “’Le Feminisme Italien: entrevue avec Mlle. Montessori”, L’Italie, Rome, August 16, 1896. Quoted in Rita Kramer, Maria Montessori: A Biography (Chicago 1976), p. 52.
[2]Maria Montessori, Pedagogical Anthropology (New York 1913), p. 17. Quoted in Kramer, p. 98.
[3]E.M. Standing, Maria Montessori: Her Life and Work (New York 1984), p. 38.
Nguồn: www.ami-global.org