Article 2019: Hai loại Công Lý (Maria Montessori, 1934)
(20/12/2019 - Lượt xem: 810)
Hai loại Công Lý (Maria Montessori, 1934)
AMI gửi tặng cộng đồng Montessori ‘lời vàng ý đẹp’ qua 1 bài giảng trích từ
KHÓA QUỐC TẾ về HUẤN LUYỆN GIÁO VIÊN lần thứ 20, (tại Nice, ngày 14 tháng 9, 1934)
Maria Montessori
“ Hai Loại Công Lý”
Vào ngày kết thúc khoá huấn luyện giáo viên lần thứ 20 tại Nice, B.S. Maria Montessori đã mời các học viên nhìn lại một khái niệm quan trọng mà bà cảm thấy có lẽ họ đã nghĩ đến trong suốt khóa học: đó là vấn đề về xã hội trong mọi khía cạnh của nó.
Trong thời đại của chúng ta, công lý xã hội có tầm quan trọng trong nghị trình; chúng ta xác định sự loại trừ bất công đối với các nhóm người trong xã hội, và những tình huống khi người ta bị tước quyền và không được phục vụ đúng mức. Đối với Montessori, cuộc tranh dấu cho công lý xã hội bắt đầu từ khi sinh ra: trẻ em có quyền phát triển thành những con người độc lập và được tôn trọng vì chính tự thân của các em, các quyền này bị cản trở ở nhiều cấp độ, bắt đầu là với các phụ huynh vốn trìu mến xem con mình như một vật sở hữu – hay như một “ dự án” nếu chúng ta phải phiên dịch theo lối nói về đời sống gia đình ở thế kỷ 21. Montessori phản biện rằng xã hội, hơn nữa, đã tự tổ chức theo một số đường lối vốn mang đến những sự kích thích đồi bại, chúng chỉ định chế hóa và khuyến khích sự chiếm hữu, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong bài giảng này Montessori sử dụng vài ngôn từ mạnh bạo, bà triệu tập lớp người lớn khi chỉ ra rằng trẻ em đã không được coi trọng mặc dù chúng hợp thành một tập thể với hơn quá bán của dân số thế giới. Bà khiển trách cha mẹ đã không làm tốt hơn cái ‘công tác” làm cha làm mẹ của họ với lý do rằng là con người chúng ta có thật nhiều sự lựa chọn và có nhiều óc thông minh hơn các loài thú _ vậy mà các loài thú lại có thể hướng dẫn các con của chúng thực sự đến sự tự lập. Cha mẹ con người xem đứa con như là một gia tăng tuyệt vời cho trạng thái hạnh phúc của họ hơn là nhìn nhận rằng đứa trẻ có nhiệm vụ phát triển thành một con người, kẻ có thể giúp ta cải cách xã hội. Họ còn phải tôn trọng cái công việc phi thường mà đứa bé đã thực hiện vào lúc sinh ra. Điều thú vị để nhận thấy là có lúc những tình trạng của thời đại và những bức xúc tiếp theo của Montessori tỏa sáng trong bài diễn văn đầy nhiệt tình này –đặc biệt, khi bà bàn về thẩm quyền của cha mẹ vốn luôn tùy thuộc vào người cha cho dù ông có quan tâm hay không đến phúc lợi của con cái. Bà cũng cổ vũ sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa nhà trường và phụ huynh.
Bài giảng này đôi khi được xem như một bản tuyên ngôn, và như thế rõ ràng minh chứng rằng những khát vọng được nêu lên ở đây vang vọng những ý tưởng đang thành hình ở Montessori về “Đảng Xã hội của Trẻ em” nhằm “mang đến cái viễn kiến rằng trẻ thơ là một công dân mà quyền lợi là thiêng liêng hơn quyền lợi của bất kỳ công dân nào; để nhìn nhận trẻ thơ là một kẻ mà xã hội có trách nhiệm phải đảm bảo sự an toàn, các phúc lợi và cái môi trường xã hội cần thiết cho những nhu cầu đặc biệt của nó như một cá thể con người trong quá trình hoàn thành sự phát triển của nó”. Quá trình tư duy của bà phức tạp, nhưng người độc giả nào tiếp cận văn bản này với sự trân trọng đối với vai trò của người lớn và đối với tầm quan trọng của tuổi ấu thơ sẽ nhận đươc phần thưởng hào phóng.
***
Chúng tôi ở đây để tuyên bố với thế giới rằng có một giống người, chưa được biết đến, nhưng đông đảo và có lẽ còn nhiều hơn dân số người lớn, những kẻ lẽ ra phải được có những luật lệ mà hiện này họ chưa có, những kẻ phải chiến thắng nhưng hiện nay đang bị áp bức.
Đó là ân nhân và là thầy của chúng ta, kẻ mà giá trị chúng ta không nhận ra. Tất cả chúng ta đều tranh đấu cho mục tiêu của trẻ thơ nên nó trở thành một nhiệm vụ mới về công bằng xã hội. Và nhóm người này là quốc gia các trẻ em. Điều đã trở thành rõ ràng xuyên suốt qua các bài giảng của chúng tôi là rằng người lớn có một sự vô cảm đầy nghịch lý khi nói đến trẻ em – không thể định nghĩa được, và có vẻ khó giải thích được. Nó nghịch lý bởi vì thế giới tin rằng người lớn nhạy cảm đối với trẻ em và họ lớn tiếng tuyên xưng điều đó. Thực ra, sự thật là họ thiếu sự mẫn cảm đặc biệt đó đối với trẻ em. Đây thực là một tình huống nghiêm trọng đến mức vấn đề nên được mang ra [cho mọi người] chú ý và khảo sát. Đây là một trong những khía cạnh vô ý thức mà toàn thể nhân lọai cùng chia sẻ.
Đứa trẻ thơ không được nhìn thấy như nó vốn là, và chúng ta có thể so sánh điều này với đôi mắt của người lớn vốn tiếp nhận các tia sáng cần thiết để phân biệt được hình ảnh và vật thể, vậy mà có một điểm hoàn toàn bị mù trong ý thức của chúng ta khi nói đến trẻ em. Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử của con người, trong những sự biểu đạt có tính văn hóa cao chúng ta không thấy bóng dáng của trẻ thơ. Có quá nhiều bài thơ, nhưng đâu là bài thơ chú trọng đến trẻ thơ trong khi đó có quá nhiều bài thơ về tình yêu. Trong các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, đền đài vĩ đại, chúng ta thấy vắng bóng trẻ em. Nếu con người thực sự yêu thương trẻ thơ, chắc họ sẽ dành cho trẻ em những công trình nghệ thuật tráng lệ và chúng ta hẳn đã thấy những tác phẩm có ý nghĩa được dâng tặng cho trẻ thơ. Bởi con người không thể yêu mà không hành động, mà không sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, bởi vì trong bản chất của con người, chúng ta thấy cái động lực để sáng tạo với cả tình cảm lẩn trí khôn; họ không chỉ sáng tạo ra tư tưởng mà còn tạo ra công trình. Chúng ta phải có những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, những cái đẹp nhất để thấy trong cái xã hội có đặc tính sáng tạo của chúng ta. Xã hội phải xem trẻ thơ như một sinh linh mang đến nhiều cảm xúc nhất, quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác, to lớn hơn các nhà thờ, hay các dinh thự đầy ấn tượng. Tất cả những thứ này phải được dâng tặng cho trẻ em và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với chúng. Âm nhạc xung quanh trẻ em ở đâu nhỉ? Đương nhiên, tất cả chúng ta đều biết các bài ru con, nhưng trong những bài thánh ca tuyệt vời của giáo hội, chúng ta không tìm được cái gì cho trẻ em. Nếu xét rằng các loài thú dành những cách thức tài tình để tạo ra nơi trú ẩn và bảo vệ cho con non của chúng, chúng ta thực sự phải thấy được nhiều hơn thế nữa trong cái xã hội loài người với những phương thức tinh tế về giao tiếp và sáng tạo của mình.
Bất kỳ điều gì bạn nhìn thấy ở côn trùng là thấy bên trong phạm vi của loài. Vài con thú hoang dã trở thành dịu dàng hơn khi chúng có con, giống như loài hữu nhũ vậy, và bạn cũng thấy điều ấy ở loài chim có cái thói bay xa chỉ để vui chơi, nhưng lại tránh làm như thế để ở lại gần bên chim non. Thiên nhiên đã ban tặng cho các sinh vật những cách khác nhau để hành động tùy trường hợp tự vệ hay bảo vệ cho con của chúng.
Chính qua cách hành xử đối với con non mà chúng ta có thể thấy những điều tuyệt vời đáng sửng sốt, điều mà các nhà sinh vật thời nay như Fabre và Maetelinck đã nói đến, họ đã nghiên cứu hiện tượng làm mẹ và mô tả nó như là một hiện tượng quí báu nhất để đảm bảo sự sinh tồn của loài. Điều này khó giải thích được bằng lời, nhưng nếu chúng ta cần tìm ra một trường hợp tương tự cho loài người, chúng ta cũng có thể phân biệt hầu như có hai loại bản chất khác nhau: một cái là khi con người nghĩ về bản thân của họ, về xã hội hay về toàn thể nhân loại –còn cái kia là khi họ nghĩ đến trẻ em. Chúng ta có thấy chúng giống nhau hay không? Không, chúng ta thấy một sa mạc, hoàn toàn yên lặng. Chúng ta không thấy có một biểu hiện nào về hành động; không có sự thay đổi nào cả. Bởi chúng ta nghĩ rằng cảm xúc về bình an và dịu dàng là thuộc về một cung bậc rất cao, cũng như những hành động anh hùng, chúng ta nên nói rằng, “bởi nhân loại có quá nhiều đặc tính tuyệt vời, họ phải chăm sóc và bảo vệ con cái của họ ở một mức độ cao hơn nữa”. Tuy nhiên, chúng ta không thấy được điều nào như vậy. Chúng ta chỉ thấy chuyện trái ngược, ví dụ như những cảm xúc hận thù dai dẳng về những xúc phạm mà chính cá nhân mình đã phải chịu.
Chúng ta nên thăm dò sâu hơn về vấn đề vô cảm này ở loài người chúng ta. Như chúng ta thấy các bản năng ở tất cả loài động vật, chúng ta phải kết luận rằng con người đã đánh mất cái bản năng này hoặc đã đem dấu kín nó đến độ dường như nó không còn hoạt động nữa. Về phương diện này, tâm hồn con người đã rơi vào vào một giấc ngủ sâu đến mức mà ngay sự hiện diện của đứa trẻ cũng không thể khiến nó nạp lại được năng lượng. Đôi khi chúng ta có thể thấy một bản năng không hoạt động sống lại khi mục đích tự nó biểu lộ. Đìều này không áp dụng cho loại người chúng ta mặc dù bạn sẽ nói rằng chúng ta yêu thương trẻ con của mình rất nhiều. Nói cho rõ, chúng ta có yêu thương chúng, nhưng loài thú cũng yêu con của chúng vậy, và có lẽ còn hơn thế nữa: chúng nhạy cảm hơn chúng ta. Nếu chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta có một sự nhạy cảm mạnh mẽ và sâu sắc tương ứng với một mục tiêu quan trọng như vậy, chúng ta không còn có thể nói rằng trẻ thơ là”đáng yêu”, nhưng chúng ta phải có khả năng nói rằng chúng ta yêu thương trẻ. Nếu chúng ta vẫn còn ở lại trong các giới hạn thường là của chung, chúng ta có thể nói rằng con người vô cảm hơn các loài thú trong cách hành xử tự nhiên của chúng.
Có lần tôi đã viết một bài thơ ngắn về trẻ thơ, một bài không dễ thương lắm và nó không có một kết cục vui vẻ. Nhưng đó là sự thật, và tôi sẽ chia sẻ với các bạn cái gì tôi còn nhớ.
“ Môt tiếng kêu run rẩy vang trên mặt đất, mà trước đó chưa ai từng nghe. Nó phát xuất từ cái cổ họng mà trước đó chưa từng được khuấy động và kể cho tôi nghe một câu chuyện lạ lùng, câu chuyện của một con người đang sống trong đêm tối u huyền thâm sâu nhất trong sự cực kỳ yên lặng. Đột nhiên, nó đối mặt với một ánh sáng chói lòa và tiếp xúc với những âm thanh khác nhau, nhiều vô số, mà không hề được chuẩn bị trước. Họ kể tôi nghe về một con người đã từng luôn sống dưới nước, nước ấm áp, và nó đột nhiên bị nhúng vào một dòng nước lạnh băng, lần đầu tiên mở căng phổi ra trong một cuộc chạm trán khó khăn. Nó là con người đã nghỉ ngơi không giống ai bởi nó hoàn toàn nghỉ ngơi. Nó không phải nhọc công tự mình bước đi hay hít thở bởi vì có kẻ đã làm điều ấy cho nó. Mọi sự đều được ban tặng cho nó. Công việc duy nhất nó đã làm là công việc của quả tim của nó. Trái tim của nó đã bắt đầu đập từ lúc nó chưa là người và chỉ có trái tim của nó đang tiếp tục đập.”
Từ lúc này sang lúc kế tiếp, con người này cần phải làm một nỗ lực kinh khủng; nó phải tự một mình tiến hành cái công việc nó chưa hề biết; nó sinh ra trong một môi trường hoàn toàn khác hẳn với đầy thử thách và cái trải nghiệm khi nó được tạo ra có lẽ có thể so sánh với cơn hấp hối mà Đức Kitô đã cảm nghiệm khi thốt lên những lời cuối cùng: “Tại sao cha đã bỏ mặc con?”
Đó là cách mà trẻ em đã được sinh ra. Chúng cần được phục hồi cho một cuộc sống mới, cho nhân phẩm và định mệnh mới.
Cuộc vượt qua này chắc chắn là một trải nghiệm bi tráng. Vậy mà cha mẹ không dừng lại để suy nghĩ (cho đủ). Đứa bé đã sinh ra, mọi người đều hạnh phúc, nó thuộc về cha mẹ nó. Đây là đứa con trai của chúng tôi! Bạn sẽ hiểu rằng tình yêu cho đứa bé này làm mềm lòng những ai nghĩ đến trẻ em. Nhưng chúng ta cũng thấy sự chiếm hữu: chính sự sở hữu đã khiến cha mẹ hành động. Chúng ta nói: “Bà mẹ thực sự đã kiệt sức”. Mọi người chú ý để sự kiện hạnh phúc, nhưng quên rằng đối với em bé, sinh ra còn nhọc nhằn dữ dội và kiệt sức hơn nhiều.
Trong các khu bảo sanh hiện đại ngày nay, người ta chăm sóc nhiều cho các bà mẹ; chúng ta đảm bảo sao cho không có nhiều ánh sánh chói chang hay tiếng động ồn ào nhưng không quan tâm như thế đến em bé. Nó bị phơi ra ánh sánh và tiếng động: nó chỉ là một đứa bé. Mọi người cười vui vẻ, nó đáng yêu, nó là bé sơ sinh, có lẽ nó được lau cho khô một cách hơi mạnh tay với cái khăn; người ta chỉ thấy một vật xinh đẹp mà họ sở hữu.
Nói đến giáo dục thời nay, đứa bé bị bỏ rơi về mặt xã hội. Người cha trốn tránh trách nhiệm của ông bằng cách trao đứa bé cho các định chế, và người ta tách rời đứa bé ra khỏi vòng tay cha mẹ nó sao quá dễ dàng để đặt nó vào một nơi tra tấn: là cái học đường nơi trách nhiệm không cần giải trình bởi tất cả lề luật và qui tắc qui định rằng vai trò của cha mẹ chấm dứt ở ngưỡng cửa học đường. Chúng ta thấy có rất ít sự cảm thông giữa học đường và gia đình. Chúng ta cũng thấy rằng xã hội dành tất cả uy quyền phụ huynh cho người cha; không có uy quyền nào cao hơn cho đến khi đứa trẻ bước vào tuổi trường thành. Đương nhiên, thiên nhiên đã phú ban một số tình cảm nào đó cho con người chúng ta, nhưng xã hội không xác lập nếu người cha thực sự có những tình cảm phụ tử. Về mặt khác, người ta vẫn ở dưới uy quyền cha mẹ cho đến khi khá lớn tuổi. Cho đến khi ở tuổi đó, người trẻ không là gì cả; nó ở bên ngoài lề xã hội mà không có quyền công dân.
Bạn có thể thấy một người cha tự hào về thành quả của đứa con trai bởi điều này phản ảnh tốt về bản thân của ông ta. Nhưng, nếu người con trai mong mỏi đạt được sự trưởng thành để nó sẽ không còn phải chịu sự che chở bó buộc của cha mẹ, người cha bực tức và cảm thấy bị xúc phạm do cái mối quan hệ sở hữu chủ là điều ông quan tâm hơn hết.
Hãy nhìn các chim trời và tất cả các sinh vật khác. Khi chim con đã đủ lớn, chúng co rút một chút; chim cha và chim mẹ đẩy chim con một chút để chúng có thể bay. Chúng cần sống riêng càng sớm càng tốt. Đối với các loài động vật cũng vậy. Khi con đã hoàn toàn lớn lên, cha mẹ rời xa chúng để chúng có thể sống tự lập.
Bản năng giữ con cái ở lại gần mình trong một trạng thái nô lệ không phải là do mệnh lệnh của tình thường. Đó cũng vẫn là cái điều ác: là cha mẹ sở hữu con cái. Điều này là dễ hiểu do trong cái xã hội nơi mọi sự được căn cứ trên sự chiếm hữu. Tương tự như vậy, khi ta nói đến tình thương, dù là của mẹ hay của cha, tình thương phải vô điều kiện. Khi một sự lệch lạc ban đầu xảy ra, xã hội chỉ có thể nuôi dưỡng sự lệch lạc này bởi vì cái ý thức sở hữu bao trùm tất cả được liên tục nuôi dưỡng từ một nhu cầu được có tất cả cái gì là tốt trong xã hội, bởi chúng có giới hạn về mặt số lượng. Các loài thú tìm thấy những gì chúng cần trong thiên nhiên; thiên nhiên phong phú đến độ nó có thể buông ra nhiều thứ. Con người sống nhờ chính sự lao động của nó trong một xã hội đã được hình thành do bởi chính họ, một thứ [thiên nhiên] bên trên thiên nhiên (supranatura) mà nếu không có nó, con người không thể sống.
Điều này giải thích vì sao con người thấy việc sở hữu rất là quan trọng. Chúng ta thấy các sự lệch lạc phát triển chính là vì cái môi trường này. Và tất cả sự lệch lạc xuất phát từ một ý thức sơ khai về chiếm hữu, tự chúng cấu thành theo một kiểu thức trong xã hội khiến cho xã hội có thể chứa đựng bên trong chính nó các nổi đau khổ và mối hiểm nguy, cũng giống như điều chúng ta thấy trong sự so sánh mà chúng ta đã làm hôm trước khi một chiếc xe lửa bị trật đường rầy, dẫn đến thảm họa; lịch sử loài người đầy rẫy thảm họa, tội phạm và đủ mọi đau khổ, từ đau khổ về thể chất cho đến sự đau khổ lớn nhất về tinh thần. Chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp thích nghi vận hành như một sự ngụy trang xã hội – những thích nghi được tồn tại để tạo thành một phần được xác lập theo cái lối mà xã hội được tổ chức. Tuy nhiên cái trật tự này, không hơn không kém, chỉ là một cách để sinh tồn giữa tất cả những giả định sai lầm dựa trên đó mà xã hội đã được cấu tạo nên.
Các lề luật và qui tắc được đặt ra để tạo kênh cho những điều sai trái này, vốn đã thu nạp được quyền năng khủng khiếp rồi và chừa phần còn lại cho hành động. Như mọi người đã biết, cái bộ qui tắc này không cấu thành nền công lý đích thực: nó là sự truy tầm một kiểu cân bằng dù là tương đối hay “được làm nên bởi” nền công lý đích thực vốn có vẻ là không thể đạt được trong cái thế giới này của chúng ta.
Mặt khác, chúng ta không thể sống mà không có hy vọng về công lý, ít nhất ở bên ngoài cái thế giới này, cái thế giới mà chúng ta có một ý tưởng cơ bản về nó. Công lý trong xã hội của chúng ta phải được xây dựng trên một nền tảng khác – đó là nền tảng của tình thương; một nền công lý đáp ứng được cái nhu cầu sâu xa mà chúng ta thấy ở đứa trẻ nhỏ. Nó là một nhu cầu được cảm nhận sâu sắc.
Tình yêu môi trường đối với người lớn cũng thể hiện một cảm xúc về công lý, là cái gì vốn hiện hữu trong thâm tâm của con người, ngoại trừ cái thực tế là nó tức khắc bị đè nén, do đó chúng ta không bao giờ thấy được nó.
Chúng ta cũng nói về bóng tối; chúng ta nói rằng, “thế giới đầy sự tối tăm”. Ki-tô giáo, ví dụ, có những biểu tượng bảo chúng ta rằng chúng ta phải vượt thắng bóng tối bởi chúng ta thấy rằng trong những sự lệch lạc này, có một khả năng rất thấp để thấu hiếu.
Trong thực hành, chúng ta đã thấy khi trẻ em được đặt vào đúng đường hướng, chúng tức thời có thể bộc lộ sự thông minh của chúng; chúng có những ý tưởng rất sáng lạng mà bạn không thể tưởng tượng ra: ánh sáng đến; bóng tối đã tan đi, không còn chướng ngại vật nữa.
Chúng ta cảm thấy có điều gì đó khó hiểu, không công bằng trong xã hội mà sự tổ chức buộc chúng ta phải thích nghi, mặc dù chúng ta cũng mong muốn thoát khỏi.
Chúng ta có thể nói rằng tất cả các tôn giáo đều bao hàm cái nơi trú ấn này cho tâm hồn, một nơi ẩn náu cho những nhu cầu được cảm nghiệm sâu sắc, cho hành động có tính xây dựng, cho những nguồn lực sức khỏe có thể mang lại sự thăng bằng và sự bình thường mà bạn không thể nào tìm được trong một xã hội chia rẽ và được tổ chức theo hướng của sự lệch lạc.
Còn đây là một ý tưởng khác được Do thái giáo đề cao: đó là tội nguyên thủy. Do thái giáo xem đó là sự sa ngã của con người, một ý tưởng đã được Ki-tô giáo tiếp nhận, nó đưa tội nguyên thủy về tới nguồn cội của sự sáng tạo (sáng thế _ND); chúng ta không còn thấy bản thân mình là một sự lệch lạc. Ngược lại, ở đứa trẻ đã bình thường hóa, chúng ta đã nhận thấy có những đặc tính không phải là lệch lạc. Những đặc tính này là những đặc tính khác, thực sự hiện hữu trong bản chất của con người, có khả năng phát triển vào những năm đầu đời, ở thời thơ ấu nếu đứa trẻ được cung cấp những điều kiện bình thường.
Chúng ta có thể thấy những cá tính chưa hề thấy trước đó bởi từ khi sinh ra, có một cái gì đó, không những ở giữa đứa trẻ và người lớn, mà còn ở giữa đứa trẻ và cái xã hội có tổ chức, cái môi trường sinh sống của người lớn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể khiến cho một nhân cách khác của con người bộc lộ ra khi chúng ta tháo gở những sự lệch lạc này, nhưng điều này cần được thực hiện một cách có ý thức, và được kết hợp với sự học tập và mối quan tâm lâu dài.
Ở đứa trẻ, ta thấy có một khuynh hướng kết nối những biểu hiện cao quí: như sự lao động, tình yêu, sự kiên trì, một sự mẫn cảm nội tâm, sự tỏa sáng của trí tuệ, sự uyển chuyển và khả năng thích nghi, v.v. Điều này hoàn toàn trái ngược với trạng thái của người lớn trong môi trường của họ.
Xã hội đã được tổ chức bởi người lớn, kẻ đã giết chết thần linh trong đứa trẻ, kẻ đã chôn vùi nó – nhưng chúng ta biết rằng trong “ngôi mộ” đó có một kẻ sẵn sàng tỉnh lại và phục sinh. “Phục sinh và Thăng thiên” có nghĩa là năng lượng để thăng tiến của linh hồn đang tìm kiếm nền công lý thượng đẳng của một thế giới tốt đẹp hơn. Cảm nghiệm về công lý là sự thật sâu xa nhất mà trái tim con người biết được: môt thực tại mà mọi trẻ em có thể dạy cho chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ nó như thế nào để cho con người có thể lớn lên sinh động trong tâm của nó. Khi đó nó hẳn sẽ không đánh mất những bản năng căn bản như nó dường như đã làm ngày hôm nay.
Khi chúng ta nhìn đến những điều ác trong xã hội, chúng ta có thể thấy chúng như chúng vốn là. Chúng ta phải tạo ra sự trong sáng với trải nghiệm nghiệm do các điều ác này không buộc phải có tính chết người; chúng ta có thể ngăn cản không cho chúng trở thành như thế. Mọi sự đã được làm ra và được trao cho con người. Sự sống của đứa trẻ nằm trong tay con người; không phải một trận động đất hay cái gì bi tráng mà khi đối mặt chúng ta là kẻ bất lực; nó là cái gì nằm trong tay chúng ta.
Mọi người đều nói về cải cách xã hội, nhưng chính con người là kẻ cần thay đổi – một điều mà chúng ta đã bắt đầu nhận ra: đó là sự cải cách con người thông qua đứa trẻ thơ.
© 1934 Montessori-Pierson Publishing Company
Bản Việt Ngữ © 2019, Nghiêm Phương Mai
Chuyển ngữ và đăng trên trang VAMI với sự cho phép của Montessori-Pierson Publishing Company và sự hỗ trợ của AMI Publishing.
Chúng tôi chân thành cảm tạ A. Henny và J. Verheul.
Nguồn: AMI
Xem thêm: AMI