Trẻ Thơ, người công dân bị bỏ quên (M. Montessori)_ Ngày Thiếu Nhi Thế Giới 2020
(29/11/2020 - Lượt xem: 1228)
Nhân ngày Thiếu Nhi Thế Giới 2020 đọc lại:Trẻ thơ là người công dân bị bỏ quên
NGƯỜI CÔNG DÂN BỊ BỎ QUÊN
Thông điệp của nữ bác sĩ Maria Montessori gửi UNESCO nhân dịp sinh nhật thứ ba
của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào ngày 10 tháng 12 năm 1951
Nhân dịp thế giới mừng
năm sinh nhật thứ ba của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào ngày 10 tháng 12 năm
1951, tổ chức UNESCO đã mời nữ bác sĩ Maria Montessori gửi một thông điệp chung
nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kiện nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết
đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc đã được đề ra trong bản Tuyên Ngôn về các
quyền con người trong các lãnh vực chính trị, giáo dục và văn hóa trong chính
sách và sinh hoạt hàng ngày. Trong thông điệp này, Maria Montessori đòi hỏi
quyền lợi cho trẻ em mà 4 thập niên sau mới được công bố. Ngày này, tại nhiều
nơi trên thế giới hay ngay ở Việt Nam, tình trạng quyền lợi và nhân phẩm của
trẻ em chưa được tôn trọng đầy đủ ngày càng thêm trầm trọng. Vì vậy nội dung
bức thông điệp dường như vẫn còn mang tính thời đại và đáng đọc lại để suy ngẩm
và có hành động thức thời.
Nhân dịp
Ngày Thiếu Nhi Thế giới, ngày 20/11/2020, xin giới thiệu lại thông điệp này của
BS Maria Montessori với hội viên và đôc giả trên trang VAMI.
—–
Từ cơn
biến động to lớn (Đệ nhị thế chiến_ND) đã phát sinh một viễn kiến về hòa bình
và công lý và khi nó đã chấm dứt, nhiều dân tộc đã đoàn kết lại để đề xuất
những biện pháp nhằm đảm bảo rằng những dị biệt giữa người và người sẽ không
bao giờ dẫn đến một thảm họa ở tầm mức như vậy nữa, rằng những cơn bão của ích
kỷ, hận thù, độc ác khó tưởng tượng và kinh hoàng sẽ không bao giờ xảy đến nữa,
và rằng sự hủy hoại sẽ không bao giờ cần thiết nữa khi bảo vệ những lý tưởng
nhân bản trong tuyệt vọng.
Từ sự
phối hợp này giữa của các dân tộc, nảy sinh ra Bản Tuyên Ngôn mà chúng ta đang
ăn mừng ngày hôm nay.
Người ta
đã luôn luôn tránh né, kiềm chế những điều đáng sợ, tuy nhiên chỉ riêng cho gia
đình của họ, bè nhóm của họ và đất nước của họ. Ai cũng tìm sự cứu thoát và
miễn nhiễm khỏi bệnh tật bằng sự cách ly . Như Boccaccio đã diễn tả, có những
kẻ nghĩ rằng họ có thể tránh né bệnh dịch bằng cách lẩn trốn vào sự phóng túng.
Bất cứ điều gì xảy ra bên ngoài phạm vi của họ khiến họ đầy lòng biết ơn đối
với Thượng Đế đã che chở họ khỏi hình phạt như thế.
Tuy
nhiên, không có bức tường nào có thể ngăn cản bệnh dịch và không có những hiệp
ước nào có thể ngăn ngừa những khủng khiếp chung trong chiến tranh đã đâm thấu
qua các lớp vỏ của sự lãnh đạm đang bao trùm các tâm hồn của họ khiến chúng trở
nên thờ ơ trước sự đau khổ của tha nhân. Khi ấy mọi đau khổ đều được cảm nghiệm
như nhau cho kẻ hiện diện hay vắng mặt, cho kẻ ở xa hay gần, cho kẻ cùng chủng
tộc hay cho người khác giống.
Nhân loại
đã tìm thấy linh hồn của nó và con người nhận ra những tâm tình của chính mình
trong mỗi cá nhân. Kết quả của điều này là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.
Trong quá
khứ, Đức Bác Ái được dành cho lòng nhân từ đối với các nô lệ, kẻ nghèo khó và
người già yếu. Để an ủi họ, những nỗ lực riêng lẽ được lặp lại qua nhiều thế
kỷ; tuy nhiên các cải cách xã hội đã tan vỡ vì các bức tường của sự lãnh đạm và
ngu dốt. Giữa vô số kẻ khốn khổ, một số ít người được hưởng nhận lãnh sự trợ
giúp với lòng khiêm cung và biết ơn của kẻ nhận được một ân huệ bất ngờ; như
nhận được một đặc ân từ một Thượng Đế đầy lòng từ bi.
Thế là
sau cơn bảo tố, các dân tộc đã họp mặt và điều, mà đến lúc bấy giờ, đã từng là
sự Bác Ái nay đã trở thành một cái Quyền.
Và mặt
trời đã chiếu rọi trên tất cả các nạn nhân của sự ruồng bỏ và bất công. Họ
không còn được ban bố sự sỉ nhục của bố thí nhưng được trao cho phẩm giá của
quyền lợi.
Bản Tuyên
Ngôn không còn là lời kêu gọi lòng sùng mộ của kẻ mạnh và quyền lực với những
điều răn như ” Ngươi sẽ không giết người’, ‘ Ngươi sẽ không trộm cướp’, nhưng
là để loan báo đến những ai đang đắm chìm trong yếu kém, khốn khổ hay tra tấn:
‘ Bạn có quyền được che chở’, ‘ Nếu bạn không có sức lực để làm việc mưu sinh,
bạn có quyền được nuôi dưỡng’.
Người già
nhìn thấy ánh sáng, kẻ nô lệ, những bà mẹ bị bỏ rơi và trẻ em vô tội cũng vậy;
và nơi nào có đau khổ, niềm vui được tái sinh và một niềm tin mới đã rọi sáng.
Một bản
tuyên ngôn đơn thuần hẳn chỉ là chuyện nhỏ. Nhiều bản tuyên ngôn soạn ra trong quá
khứ chưa hề sinh hoa kết quả.
Tuy
nhiên, bản tuyên ngôn này được tức khắc thực thi: tổ chức UNESCO đã được thành
lập và trên khắp địa cầu, các chuyên gia đã được gửi đến để thi hành những chỉ
thị của tình huynh đệ mới này. Các chuyên gia này gắng sức phá tan các rào cản
do thờ ơ và thành kiến.
Từ đó,
nơi nào có lời kêu gọi vì nhu cầu, họ đến ,và họ cũng đến dù không được kêu gọi
bởi kẻ thiếu thốn thường không ý thức được nỗi khốn khổ của chính mình.
Mặc dù có
nhiều việc đã được thực hiện trong ba năm qua, chân trời vẫn còn mù mịt tối
tăm. Với một bản ‘tuyên ngôn’ đơn giản, chúng ta không thể biến đổi một nhân
loại với những trái tim chai lỳ và ngờ vực_cũng tương tự như một bản tuyên ngôn
không thể trả lại ánh sáng cho người đã mù lòa hay chữa lành kẻ tật nguyền.
Nhưng ngày sẽ đến khi các bà mẹ nâng cao các con trẻ của họ lên hình ảnh Đức
Ki-tô, trò chuyện về Ngài và cầu nguyện với Ngài, họ sẽ đặt Bản Tuyên Ngôn Nhân
Quyền cạnh bên tượng ảnh và đọc cho các con họ nghe. Và các bà mẹ Ấn giáo, Hồi
giáo, Phật giáo và tất cả các bà mẹ trên trái đất ngày nay, với lòng thành tín
đơn sơ và trực giác của người mẹ, họ cũng mang đứa con sơ sinh của mình, dù bé
chưa hiểu được lời mẹ, đến trước biểu tượng đang tượng trưng cho Thần linh đối
với họ.
Cũng theo
thể thức mà trẻ em ngày nay tiếp thu vô ý thức các tư tưởng tôn giáo của nhóm
mình, các trẻ em của mai sau sẽ lấy bản Tuyên ngôn Nhân Quyền làm tuyên ngôn
của chính mình. Những lời trong Bản Tuyên ngôn sẽ được khắc ghi vào tâm hồn của
các trẻ em tựa như các Điều Răn của Thiên Chúa đã được ghi khắc trên đá.
Tấm áo
choàng của lòng bác ái và tình huynh đệ sẽ là biểu tượng của Nhân loại mới. Nó
sẽ trở thành tiêu chuẩn mà Liên Hiệp Quốc đã nêu cao để cổ vũ cho các quyền của
con người.
Và chính
các trẻ em sẽ triển khai dự án vĩ đại này, dù rằng trên thực tế, trong quan
niệm của nó, nhân phẩm của trẻ em không được công nhận. Thật ra, bản Tuyên ngôn
Nhân Quyền dường như chỉ dành riêng cho xã hội người lớn.
Trong 30
điều khoản phân tích các quyền con người, chỉ có đoạn thứ hai trong điều 25 là
có đề cập đến trẻ em: ‘Các bà mẹ và trẻ sơ sinh có quyền được hưởng sự chăm sóc
và trợ giúp đặc biệt.’
Và sự đề
cập này thật sự nhỏ nhoi, bởi vì, mặc dù đặc biệt, sự trợ giúp này được xếp vào
diện trợ cấp cho kẻ tật nguyền, kém may mắn hay già cả. Quyền duy nhất được đặc
biệt trao cho trẻ em là chúng phải được che chở như nhau dù được xem là con
chính thức hay không chính thức. Bản thân đứa trẻ không được nghĩ đến. Trẻ tiếp
tục bị xem như là một kẻ yếu kém, không có ý nghĩa gì cho vận mệnh của nhân
loại; một phụ bộ hạ cấp giao cho người mẹ và Thiên nhiên.
Vai trò
của trẻ em trong nhân loại, vai trò khiến trẻ thơ được gọi là ‘ cha của con
người’ và là ‘nguồn lực chỉ đạo sự hình thành con người’ nói chung dường như
vẫn còn bị làm ngơ.
Người ta
chưa ý thức được rằng có hai nguồn lực mạnh mẽ trong đời sống con người: nguồn
lực lèo lái sự hình thành con người (tuổi ấu thơ) và nguồn lực hướng dẫn sự xây
dựng nên xã hội (tuổi trưởng thành). Hai lực này đan kết chặt chẻ với nhau đến
nổi nếu một bên bị xao lảng, bên kia không thể nào đạt được. Người ta không ý
thức rằng quyền lợi của người lớn nhất thiết tùy thuộc vào quyền lợi của trẻ
em.
Quan tâm
xã hội hay quyền lợi hay các bản tuyên ngôn không thể xét đến những nhân tố
liên quan chặt chẻ với nhau như vậy một cách riêng lẻ. Nếu chúng ta tiếp tục
chỉ đơn thuần xét đến những mối quan tâm của người lớn, khoảng trống không , là
một trong những nguyên nhân chính của những bất cân bằng của xã hội, sẽ mãi tồn
tại.
Người lớn
không nhảy vào đời như những người nhảy dù sắp chinh phục một miền đất xa lạ.
Các thế hệ nối tiếp nhau không phải là một chuỗi người lớn trưởng thành tuần tự
rơi xuống như mưa trên mặt đất. Mỗi con người đều phát triển từ một đứa trẻ:
những năng lực thúc đẩy nhân loại xuất phát từ sự khai triển của các năng lực
tiềm ẩn bên trong con trẻ.
Quyền đầu
tiên của Con Người, Quyền Căn Bản phải nhìn nhận quyền của đứa trẻ được trợ
giúp để vượt thắng những chướng ngại vật có thể cản trở, đàn áp, hay làm chệch
hướng các năng lượng kiến tạo của đứa trẻ do đó tước bỏ ở đứa trẻ niềm thâm tín
được trở thành một người lớn có hiệu năng và cân bằng.
Trẻ em có
vai trò cơ bản trong sự kiến tạo nên con người . Nếu phẩm giá và quyền lợi của
các công nhân được công nhận, thì phẩm giá và quyền lợi của kẻ tạo nên con
người cũng phải được công nhận. Dựa trên sự khẳng định về phẩm giá của trẻ thơ,
chúng ta phải đảm bảo quyền lợi và tự do của trẻ em được lớn lên và phát triển
toàn diện, ngõ hầu đứa trẻ có thể đóng góp vào sự tiến bộ của con người với tất
cả khả năng của mình, nhờ vậy trẻ thơ hoàn thành sứ mệnh thiên nhiên đã trao
phó.
Nếu con
người được tạo ra từ cái vô thực thể là đứa trẻ sơ sinh, chính trong chu kỳ
định hình của nó _nghĩa là trong giai đoạn sơ sinh_ là lúc nó cần sự che chở
cần thiết cho ‘con người’.
Vấn đề
giáo dục là căn bản vì đó là một nhu cầu cấp bách chung cho tất cả con người
trên trái đất.
Nếu chúng
ta thật sự muốn đạt được sự bình đẳng và hòa hợp giữa người với người, chúng ta
không được xao lãng cái thời điểm trong cuộc đời khi những khác biệt về xã hội,
lý tưởng và ngôn ngữ chia cách các nhóm người chưa có xảy ra.
Nếu chúng
ta mong muốn cố gắng hợp nhất xã hội loài người, chúng ta phải nhìn nhận cá thể
và xem con người là một cá thể như vậy từ lúc mới sinh ra.
Chúng ta
phải nhìn trẻ sơ sinh để thấu hiểu cái bí ẩn của sự sống của chúng ta. Chúng ta
phải tìm hiểu làm sao một sinh vật khi mới sinh ra, không có khả năng hiểu biết
và thiếu sự tự ý thức, không có trí nhớ và ý chí lại trở thành thông minh.
Làm sao
một đứa bé, khi sinh ra, câm nín và vô ý thức, lại có thể xử dụng một ngôn ngữ
theo đúng văn phạm để diển đạt các ý muốn và ý tưởng đang xuất hiện trong sự
huyền bí thâm sâu của sự hình thành của nó?
Làm sao
mà đứa trẻ hai tuổi lại có thể xử dụng cái ngôn ngữ mà nó tìm thấy trong môi
trường của nó, mặc cho những khó khăn khả dĩ có thể gặp phải, mà không cần sự
giúp đỡ của một người thầy?
Làm sao
mà khi bé mới sinh ra, các cơ quan cử động có ý thức không có khả năng nâng đỡ
và tuân phục đứa trẻ, mà nó lại bỗng nhiên đứng lên và bắt đầu bước đi? Thật
vậy, đứa trẻ hành xử như thể nó muốn chinh phục thế giới và sau này, giữa tuổi
từ ba đến sáu, những trò chơi miệt mài của bé cung cấp cho nó những kinh nghiệm
sẽ khiến đứa trẻ trở thành một cá thể có ý thức.
Đây là
thời điểm của những năng lực vĩ đại và những bí ẩn sâu xa: con người phát triển
như một hạt giống nằm sâu trong đất, nẩy mầm và tăng trưởng để trở thành một
nhành lúa.
Đứa trẻ
không đã là, nhưng trở thành là nó.
Tế bào
nẩy mầm tạo nên phôi thai và thân thể của bé sơ sinh một cách bí ẩn, với tất cả
các cơ quan phức tạp có chức năng cho phần còn lại của cuộc đời của nó. Cũng
như thế, trẻ sơ sinh tạo nên con người tăng trưởng đến mức hoàn chỉnh.
Trong trẻ
sơ sinh, một quá trình phôi thai khác bắt đầu và tiếp tục trong những năm tháng
mà đứa trẻ sẽ trải qua để trở thành một con người được ban cho một tâm trí và
một tinh thần.
Là loài
duy nhất trong các loài, con người có hai thời kỳ phôi thai: một thời kỳ trước
khi sinh ra lúc cơ thể được kiến tạo và thời kỳ hậu sinh khi tinh thần của con
người nảy nở.
Lúc này,
không có sự khác biệt về giai cấp, địa vị hay chủng tộc. Toàn thể nhân loại
được dựng nên theo cùng một thể thức: mọi phôi thai tinh thần hấp thụ những đặc
tính của môi trường của nó và tự tái tạo
lại chúng
bên trong chính nó. Nếu người ta lớn lên để trở thành khác nhau, chính là vì
các trẻ em sinh ra họ đã thiết kế họ theo thời điểm và nơi chốn chúng đã sinh
ra.
Nếu chúng
ta càng tiếp tục chỉ đơn thuần nhìn thấy sự yếu ớt của đứa bé sơ sinh, càng
tiếp tục xem bé như bị khiếm khuyết về tâm lý, chúng ta sẽ không nhìn thấy được
cái bí mật và cái năng lực quan trọng nhất trong sự sống của con người. Và mưa
rào đem đến những linh hồn mới trong sự đổi mới liên tục sẽ bị mất dạng trong
một biển thờ ơ và áp bức, thay vì dẫn đến sự cứu rỗi của những tinh thần khô
khan đang héo mòn trong sa mạc của sự vô ý thức của chúng ta.
Trong bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền, điều gì đã được trao cho trẻ em?
Sự trợ
giúp đặc biệt cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Có nghĩa là gì: Nhà giữ trẻ? Đền bù
những bất công có thể gây ra bởi những luật lệ bất công hay thành kiến xã hội?
Đúng, các
khía cạnh này chắc chắn có tính quan trọng hàng đầu, nhưng chúng chỉ là những
biện pháp cấp cứu đã thành cần thiết do trong thực tế tiến bộ của văn minh đã
khiến các điều kiện trở nên trầm trọng đối với trẻ nhỏ.
Trẻ em
luôn luôn là người công dân bị bỏ quên.
Trong khi
tiến hóa của văn minh đã dần dà tạo nên những cải thiện cho điều kiện sinh sống
của người lớn, điều kiện sinh sống của trẻ em đã thoái hóa. Đối với đứa trẻ,
đời sống càng ngày càng không lành mạnh; thời gian đứa trẻ sống bên mẹ luôn bị
bớt đi; tự do hành động của trẻ bị giảm đi và sự tham gia của trẻ thơ vào đời
sống của người lớn hầu như không có.
Nếu các
quyền lợi của con người được công bố và nếu đứa trẻ được công nhận là kẻ tạo
nên con người, xã hội phải làm cái gì quan trọng hơn là chỉ có vài nỗ lực rời
rạc thường làm tăng thêm con số các cơ quan một cách vô ý thức.
Hãy nhìn
xem cái gì đã được thực hiện cho người lớn! Khi văn minh trở thành phức tạp
hơn, các nhu cầu mới đã xuất hiện. Mặc dù chỉ để gửi thư, chuyển điện tín hoặc
gia tăng tốc độ thông tin qua máy móc, mà người ta đã phải tạo thêm những Bộ
chuyên biệt để quản lý. Ngày nay, việc tạo ra một Bộ về Trẻ em lại càng thêm
cần thiết để đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất của thời đại chúng ta: đó là sự vun
trồng nhân loại.
Bộ này
phải chăm sóc trẻ sơ sinh, nó vẫn được xem là không đáng được quan tâm ngay cả
đối với các Bộ Giáo Dục _ là những cơ chế mà hiện nay tại nhiều nước đang là
đại diện cho mối đe dọa do một sự ngu xuẩn đang bóp nghẹt nhân bản và dân chủ,
do các hoạt động thức tiễn của chúng đã chẳng bắt nguồn từ những yếu tố cần
thiết cho sự phát triển tinh thần của con người hay từ nhân quyền hoặc từ chính
sự dân chủ.
Kẻ làm
nên con người tinh thần cũng không đáng cho các Bộ Giáo Dục quan tâm. Ai là kẻ
bị bỏ rơi và bị thiếu thốn hơn nó?
Tôi không
phải là người duy nhất công bố điều này. Ngày nay, nhu cầu trợ giúp tuổi sơ
sinh đã được nhận ra một cách rộng rãi. Thật vậy, sự nghiên cứu chuyên sâu về
trẻ thơ đang diễn ra trên khắp thế giới văn minh.
Các thí
nghiệm mà các cộng tác viên và bản thân tôi đã thực hiện hơn 40 năm qua (1907 –
1951_ND), trên khắp thế giới, đã chứng minh rằng đứa trẻ , dù có nguồn gốc ở
đâu, nếu được giáo dục trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển của nó, trẻ
sẽ biểu lộ những đặc tính cao đẹp hơn hẳn những điều thường được gán cho trẻ
thơ.
Chúng ta
nhận thấy mình đang ở một thời điểm mà đời sống tinh thần bị xao lảng và chủ
nghĩa vật chất được tôn vinh như một đức tính, thời điểm mà sự khéo léo về thể
chất của con người vượt xa cái của thiên nhiên và lúc mà chúng ta thoáng thấy
được cái khủng khiếp của sự tàn phá toàn cầu.
Vì lý do
đó, chúng tôi tuyên bố rằng sự phát triển của các năng lượng sáng tạo, của
những đặc tính cao cả hơn của con người là một trong những nhu cầu cấp bách
nhất của đời sống xã hội của chúng ta.
Maria
Montessori
Roma,
ngày 31, tháng 10, 1951
Bản Việt
ngữ © 2013, 2020 Nghiêm Phương Mai,
Courtesy:
EsF @AMI, 2011
Bản Anh
Ngữ © 2020, MPPC